Saturday, August 6, 2016

Có rất nhiều người mua đất không có sổ đỏ với hi vọng sau một thời gian, sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở nhưng đây thực chất là một quyết định rất mạo hiểm.

Đất xen kẹt vốn được mặc định là các thửa đất thiếu giấy tờ pháp lý, đất công bị lấn chiếm hoặc đất nông nghiệp… nằm xen giữa các khu dân cư trong nội đô với đặc trưng là giá thấp, mua bán chủ yếu theo dạng giấy tờ viết tay.
Trên thực tế, những mảnh đất này có mức giá giao bán dao động khoảng từ 16-25 tùy từng vị trí. Tại những nơi có vị trí đắc địa thì mức giá cao hơn. Như vậy khách hàng chỉ phải chi một khoản tiền khoảng 500 triệu trở lên là có thể sở hữu ngay một mảnh đất thậm chí còn có cả nhà xây hoàn thiện có thể ở ngay. Điều đó quả thật rất hấp dẫn đối với những ai đang có nhu cầu mua nhà ở nhưng tài chính hạn hẹp.
Vợ chồng anh Thắng kết hôn đã 4 năm và có một con nhỏ. Với thu nhập 15 triệu đồng/tháng hai vợ chồng không dám mơ dành dụm để có thể tậu một ngôi nhà ở Hà Nội. Tuy nhiên cách đây 1 năm, nghe theo lời khuyên của bạn bè anh đã vay mượn anh chị em họ hàng hai bên được hơn 600 triệu để mua một mảnh đất nhỏ 40 m2 tại khu vực Từ Liêm, Hà Nội. Đây là mảnh đất xen kẹt trong ngõ và không có sổ đỏ.
Mua đất xong vợ chồng anh xây một ngôi nhà nhỏ cấp 4 để ở và từ đó vợ chồng anh thoát cảnh thuê nhà. Bây giờ mảnh đất của vợ chồng anh được trả giá cao gấp rưỡi nhưng anh Thắng không nghĩ đến chuyện bán mà vợ chồng anh mừng thầm vì "liều" nên đã có nhà Hà Nội.
Tuy nhiên không phải ai cũng được may mắn như vợ chồng anh Thắng. Anh Nam, kế toán tại một công ty xây dựng, đã từng mua mảnh đất xen kẹt bên Gia Lâm với giá rẻ. Trong thời gian mua anh cũng đã hỏi han kỹ lưỡng và xem xét địa bàn, cứ ngỡ sau khi dự án gần khu đất nhà anh triển khai thì mảnh đất anh mua sẽ lên giá nhưng không ngờ anh đành phải chịu...trắng tay vì đất đã mua thuộc vào quy hoạch làm đường của địa phương.
Vợ chồng anh Giang cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hai vợ chồng làm công ăn lương dành dụm mãi mới được 700 triệu và quyết định mua mảnh đất 45 m2 tại Mỹ Đình. Dồn hết tiền mua đất hết vốn vợ chồng anh chỉ muốn xây cái nhà tạm để sinh hoạt nhưng khổ nổi 2 năm nay vẫn chưa thể làm được vì cứ đụng chạm là chính quyền địa phương đến hỏi thăm, bắt phá dỡ vì đất không có giấy phép xây dựng.
Theo các chuyên gia bất động sản, những mảnh đất xen kẹt không có sổ đỏ được chào bán với giá rẻ rất hợp với những cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, việc quyết định xuống tiền mua đất xen kẹt vẫn được coi là trò “đánh bạc”, với tỷ lệ thắng thua là 50/50 bởi khi chưa có “sổ đỏ” trong tay thì cũng chưa có gì gọi là bảo đảm.Thiệt thòi thường xảy ra với người mua để ở bởi việc cấp sổ đỏ cho các mảnh đất xen kẹt, nhỏ lẻ là không hề đơn giản,.
Bên cạnh đó, những loại đất xen kẹt thông thường chỉ có giấy tờ giao đất có thời hạn. Vì vậy, khi thực hiện các giao dịch mua bán, các giấy tờ này thường chỉ ở dạng phôtô và đã qua tay nhiều người. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người bán đất xen kẹt có thể cùng một lúc bán trao tay cho ba bốn người cùng một mảnh đất. Đến khi phát hiện ra thì người mua phải chịu thiệt vì những giao dịch được thực hiện trong điều kiện không có cam kết rõ ràng cũng như không có tính pháp lý.
Chính vì vậy, lời khuyên khuyên dành cho những người có nhu cầu mua đất xen kẹt trong khu dân cư, nhất là tại những thành phố lớn là cần tìm hiểu rõ về nguồn gốc cũng như giấy tờ liên quan đến mảnh đất. Tránh nhẹ dạ cả tin mà mất tiền, đất chẳng thấy đâu.
(Sưu tập)

Xây nhà xong mặc dù rất hài lòng với hình dáng bên ngoài của ngôi nhà mới nhưng khi bắt đầu dọn về ở thì gia đình tôi bị rơi vào hoàn cảnh dở khóc, dở cười.

Trước đây vợ chồng tôi cùng 2 con sống trong một căn nhà cấp 4 chật hẹp, bí bách. Dành dụm tích cóp bao nhiêu năm vợ chồng tôi mới xây được căn nhà này. Ngày dọn về nhà mới những tưởng cuộc sống của gia đình tôi sẽ vô cùng hạnh phúc vì được sống trong không gian rộng rãi, thoáng mát nhưng không ngờ từ ngày sống ở đây cả gia đình phải đối mặt với vô vàn khó khăn, phải gánh những hậu quả nghiêm trọng từ việc bê nguyên bản vẽ thiết kế của một người bạn áp dụng cho nhà mình.

Còn nhớ ngày chuẩn bị xây nhà, khi cầm bản thiết kế mượn của bạn trong tay tôi mừng thầm vì không cần phải mất thêm khoản chi phí thuê kiến trúc sư thiết kế vì nghĩ đơn giản rằng đất nhà mình là đất thổ cư nền đất chắc chắn giống hệt như chỗ nhà bạn. Tôi tự tin cho thợ xây nhà theo bản vẽ và cuối cùng cái gì đến cũng sẽ đến.
Sau 4 tháng ròng rã ngôi nhà ống 3 tầng cũng được xây xong. Tôi rất vui và còn lấy làm tự hào vì mẫu nhà của tôi được hàng xóm ai cũng khen đẹp và rộng. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn dọn về sống trong ngôi nhà này tất cả những nhược điểm dần được bộc lộ khiến cả gia đình tôi lâm vào tình cảnh vô cùng khổ cực.
Để làm được ngôi nhà này ngoài khoản tiền dành dụm vợ chồng tôi còn phải vay mượn thêm của bạn bè, người thân nên tôi chưa có điều kiện lắp điều hòa. Vào những ngày hè nóng nực vừa qua dù tôi đã mở hết tất cả cửa sổ nhưng không hề có gió. Buổi chiều ánh nắng gay gắt dội thẳng vào phòng ngủ khiến căn phòng ngột ngạt đến khó thở. Cả hai đứa con tôi còn nhỏ lăn ra ốm vì không chịu nổi.

Lúc này đây tôi mới thấy vô cùng hối hận vì phát hiện rằng khi làm nhà tôi copy nguyên bản thiết kế mà không tính tới hướng nhà. Tôi đã không mở cửa sổ đúng hướng gió mát mà lại chọn hướng nóng.
Chưa hết, trong bản vẽ thiết kế tường xung quanh nhà là tường 10 trong khi đó khu nhà tôi ở xung quanh là nhà cấp 4 chỉ mình nhà tôi xây cao nên nhà đã bí, nóng xây tường 10 càng nóng hơn. Hơi nóng hấp thụ vào trong phòng tới tận đêm khuya.
Về lâu dài để cải thiện tình hình có thể tôi phải làm lại toàn bộ hệ thống cửa sổ. Vậy là lại mất thêm khoản chi phí, gánh nặng về tài chính ngày càng đè nặng thêm, cuộc sống gia đình sẽ bị xáo trộn. Tuy nhiên, còn những bức tường 10 xung quanh ngôi nhà thì đành phải chịu không có cách nào khác là buộc phải sống chung với nó.
Đấy là kinh nghiệm xương máu của tôi khi không tìm hiểu, tính toán kỹ lưỡng mà bê nguyên thiết kế đi mượn áp dụng cho nhà mình. Qua đây tôi muốn nhắn gửi tới những ai đang có ý định mượn bản vẽ thiết kế như tôi hay siêu tầm bản vẽ trên mạng thì hãy thật cẩn thận. Bởi vì khi ngôi nhà đã xây xong rồi thì việc sửa chữa nhà sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc cũng như khiến bạn không thoải mái trong quá trình sử dụng.
Có một lời khuyên cho các bạn đó là nếu như bạn thực sự không muốn mất nhiều chi phí, muốn tận dụng bản vẽ cũ thì nên tham khảo và nhờ sự trợ giúp của 1 người trong ngành để tránh các rắc rối sau này. Với những người có điều kiện hơn thì tốt nhất nên bỏ ra một khoản tiền để được tư vấn cụ thể và thiết kế hợp lý nhất cho ngôi nhà của bạn.
(Sưu tập)
http://nhandesign.blogspot.com/