Làm việc gần 10 năm tại TP.HCM, vợ chồng anh Phạm Thanh Hiếu cho biết vẫn bất lực với việc mua nhà bằng nguồn thu hiện tại. Không có sự hỗ trợ từ gia đình, với mức thu nhập 20 triệu/tháng, dù vợ chồng anh cố gắng tiết kiệm, tích góp 50% thu nhập để dành mua nhà thì cũng mất ít nhất 12 năm mới mua nổi một căn hộ giá rẻ tại TP. Từng suy tính đến việc vay ngân hàng, nhưng khi trừ đi các khoản trả lãi và gốc mỗi tháng, vợ chồng anh nhận ra là sẽ không còn đủ tài chính để trang trải cuộc sống thường nhật, chưa nói đến chi phí phát sinh.
Trường hợp của vợ chồng anh Hiếu đang là thực trạng chung của rất nhiều hộ gia đình trẻ có mong muốn định cư và làm việc tại các thành phố lớn. Để làm rõ thực trạng này, Batdongsan.com.vn đã thực hiện một số nghiên cứu để tìm lời giải cho bài toán “Mất bao lâu để một gia đình trẻ Việt nam mua được nhà?”.
Cụ thể, bài toán dựa theo số liệu của World Bank về thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam là 11 triệu đồng/tháng, giá căn hộ bình dân theo dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn là từ 20 – 25 triệu/m2. Để có mẫu số chung cho bài toán, nghiên cứu đưa ra 2 trường hợp tiêu biểu:
Trường hợp 1: Gia đình trẻ có vợ chồng đều là nhân viên đã đi làm, tổng thu nhập vào khoảng 20 triệu/tháng. Như vậy, nếu muốn mua căn hộ 70m2 tại TP.Hà Nội thì họ cần ít nhất 1,5 tỷ đồng (căn hộ rẻ nhất hiện nay là 20 triệu/m2). Trừ các khoản chi tiêu, tích lũy tối đa được 10 triệu/tháng (50% thu nhập), nếu muốn mua căn hộ 1,5 tỷ đồng thì người trẻ phải mất ít nhất khoảng 12 năm tích lũy.
Trường hợp 2: Với những hộ gia đình trẻ có vợ hoặc chồng là cấp quản lý, tổng thu nhập từ 40 triệu/tháng thì khoảng thời gian tiết kiệm mua căn chung cư 1,5 tỷ trên sẽ rút ngắn xuống 6 năm. Tại TP.HCM với giá căn hộ bình dân từ 25 triệu/m2 thì các gia đình cũng cần thời gian tích lũy lớn hơn, khoảng 7-8 năm.
Tuy nhiên, bài toán trên chỉ chính xác khi đặt trong điều kiện giá nhà không tăng qua các năm hoặc mức tăng thu nhập tương đương với mức tăng giá nhà. Do đó, trên thực tế, thời gian để người trẻ Việt Nam có thể thực hiện được giấc mơ sở hữu nhà ở có thể còn kéo dài hơn nữa, bởi sau 6-12 năm, giá nhà chắc chắn sẽ không dừng ở mức 1,5 tỷ/căn.
Rõ ràng, việc chờ thời gian tích lũy 6-12 năm để mua nhà là thiếu khả thi, vì vậy để sở hữu nhà sớm hơn, các gia đình trẻ hiện nay có thể nhờ tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân hàng. Theo phương án này, giả sử hộ gia đình trẻ có tổng thu nhập 20 triệu/ tháng muốn mua nhà khoảng 1,5 tỷ tại Hà Nội, khoản tiết kiệm tối đa khoảng 500 triệu, thì sẽ cần 20 năm để trả hết nợ, trong trường hợp sử dụng 50% thu nhập để trả nợ và lãi suất vay ngân hàng trung bình ở mức 10%/năm như hiện nay.
Như vậy, dù chờ đợi tích lũy hay vay mua nhà thì với mức thu nhập và giá nhà như hiện nay, người trẻ tại Việt Nam vẫn rất chật vật để mua được nhà.
Số liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, giá chung cư tại Hà Nội trung bình vào khoảng 26 triệu/m2, TP.HCM là 37 triệu/m2, tốc độ tăng giá BĐS bình quân năm 2018-2019 là 12-20%. Tính riêng quý 3/2019, chung cư TP.HCM tăng thêm 11,8%, cao hơn nhiều mức tăng lương trung bình năm 2019 là 3% (số liệu của Navigos). Sự chênh lệch giữa tỷ lệ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng của nhà đất khiến việc sở hữu nhà tại TP.HCM với người lao động rất thiếu khả thi. Điều này là thách thức lớn đối với nhóm gia đình trẻ không có hỗ trợ tài chính từ gia đình.
Thực tế, bài toán nhà ở cho những người có thu nhập trung bình nói chung, và những gia đình trẻ có thu nhập trung bình nói riêng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác trong khu vực. Đơn cử, theo thông tin từ Bộ trưởng tài chính Indonesia trên thời báo Jakarta, năm 2017 chỉ có khoảng 40% người Indonesia có thể tự mua được nhà và 40% khác thì cần có trợ cấp một phần từ chính phủ do giá BĐS tăng cao. 20% còn lại gần như không thể mua được nhà nếu không có khoản trợ cấp phần lớn từ chính phủ.
(Sưu tập)